- Trước khi đến với Trại hè 2022, bạn đã từng tham gia các hoạt động nào về môi trường và các dự án cộng đồng liên quan đến môi trường? Bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của cá nhân về việc sinh viên tham gia các hoạt động trên?
Trước khi đến với “ngôi nhà” SETY CAMP, mình chỉ tham gia một vài hoạt động vệ sinh, quét dọn đường phố nơi mình sinh sống hay tham gia vào các buổi đổi chai nhựa, đổi giấy lấy cây do trường, một số CLB tổ chức.
Mình thấy sinh viên tham gia các hoạt động về môi trường rất tích cực và sôi nổi, các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến vấn đề về môi trường. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên thì có không ít các bạn tham gia vì giấy chứng nhận mà chúng mình hay gọi trêu là những “nô lệ điểm rèn luyện”. Và cũng có không ít các bạn tham gia mà không hiểu được ý nghĩa, mục đích của hoạt động đó. Ví dụ như hoạt động đổi pin cũ, có lẽ các bạn sẽ không biết tại sao cần thu gom pin cũ mà chỉ đơn giản là: “A, đang có hoạt động thu gom pin đã sử dụng nè. Nghe cũng bảo vệ môi trường đấy phải tham gia thôi”. - “Tôi là rác” là ý tưởng của bạn chia sẻ về thông điệp gì và gắn với những vấn đề nào mà bạn đã học được trong trại hè SETY 2022? Trong hội thảo quốc tế về Thúc đẩy sự phát triển bền vững của Môi trường, được biết Hoa có bài trình bày về “Tham luận #3: “Nếu tôi là rác” – Dựa trên “góc nhìn” của rác thải để cung cấp các thông tin của chính nó, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về phát triển bền vững, bạn có cảm thấy run không? Bạn có thể chia sẻ những cảm nhận về “khoảng cách” giữa các thế hệ nhà khoa học với các bạn trẻ (ở độ tuổi như bạn) khi chia sẻ những góc nhìn khác nhau về phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái xã hội?
Mình muốn cảm ơn trại hè SETY 2022 nhiều, đây là nơi đã truyền cảm hứng rất lớn cho mình, thúc đẩy bản thân mình quan tâm nhiều hơn tớ môi trường và nghiên cứu khoa học. Bài tham luận mình viết dựa trên “góc nhìn” rác thải để cung cấp các thông tin của chính nó và đưa ra các thông điệp “Tôi muốn được thay thế – Tôi muốn được tái chế”. Rác sẽ chỉ là rác nhưng nếu được tái chế thì rác chính là tài nguyên. Trong đó, thay thế, tái chế và phân loại rác tại nguồn chính là sự khởi đầu để chúng mình cùng nhau giúp rác thải được xử lý và tái sinh sau này.
Thật sự mình cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được trình bày tham luận cùng với hai người thầy mà mình đã theo dõi và kính phục từ lâu: Thầy GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng và Thầy GS.TSKH Trương Quang Học – hai chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về phát triển bền vững. Thú thật là trước khi lên trình bày mình cũng run và hồi hộp lắm. Nhưng khi đứng trên sân khấu, cầm mic và chuẩn bị trình bày, nhìn xuống dưới sân khấu có gần 200 bạn sinh viên thì mình đã sẵn sàng “nuốt mic”. Mình muốn thể hiện được quan điểm của bản thân, góc nhìn của giới trẻ tới chính các bạn trẻ.
Sau phần trình bày thì mình có một cuộc nói chuyện ngắn với hai thầy. Mình rất vui và xúc động khi hai thầy nói rằng “Nay trình bày tốt lắm, thầy khen nha!”. Mình và hai thầy cũng có thêm thời gian để trao đổi với các bạn sinh viên. Có lẽ rằng giữa mình, các bạn trẻ tham dự buổi Thuyết trình và hai thầy đều không thấy sự xuất hiện của “khoảng cách” thế hệ. Chính những góc nhìn đa chiều về phát triển bền vững và chuyển đổi sinh thái xã hội đã khiến cho các bài chia sẻ và phần trao đổi thảo luận thú vị hơn rất nhiều. - Vấn đề bức xúc hiện nay nhất về môi trường và chuyển đổi sinh thái – xã hội là gì và tại sao theo bạn nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của giới trẻ Việt Nam hiện nay?
Cho đến thời điểm hiện tại, mình thấy rằng rất nhiều người còn cho rằng chuyện về môi trường không liên quan gì đến mình. Họ thờ ơ với cuộc sống của chính mình và chính con cái họ sau này. Sẽ không có hành tinh B, C, D hay bất cứ hành tinh nào dự phòng cho người. Vì chính sự thờ ơ của những người xung quanh nên giới trẻ Việt Nam không dành sự quan tâm cần thiết đến môi trường có những hành vi gây tổn hại đến nó cả vô ý và cố ý như: thời trang nhanh, thói quen dùng đồ nhựa, không phân loại rác tại nguồn… Tất cả chúng ta đều phải nhận thức rõ một điều rằng “We don’t inherit the Earth from our ancestors, we borrow it from out children” (Chúng ta không kế thừa Trái Đất, chúng ta mượn nó từ con trẻ). - Là nữ giới nhưng lại rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động nghiên cứu, công tác xã hội, bạn có bí quyết nào để luôn duy trì năng lượng tích cực này?
Mình nghĩ không có ranh giới nào giữa nam và nữ trong tất cả các hoạt động, kể cả trong lĩnh vực nghiên cứu. Nên là nữ giới mình cũng sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Và mình thấy bản thân còn trẻ nên phải sống hết mình, phải sống dũng cảm để không phí hoài những năm tháng thanh xuân đáng quý này. Đó cũng là lý do tại sao mình lại lựa chọn theo đuổi Công tác xã hội – một ngành học để cống hiến, để có cái nhìn tích cực hơn.
Bí quyết để mình duy trì được năng lượng tích cực đó là tìm được tình yêu với công việc mình làm. Chỉ cần chúng ta đam mê thì chắc chắn chúng ta sẽ không từ bỏ. Tuy nhiên thì cũng sẽ có lúc gặp khó khăn nhưng đừng vội nản lòng. “Với những tình huống khó xử, chỉ cần một nụ cười tự tin”. Hãy chậm lại một chút, để cho bản thân nghỉ ngơi và tìm thêm cho mình động lực để cố gắng. - Bạn có dự định gì trong tương lai gần về những điều mình làm gắn với các hoạt động vì môi trường?
Trong thời gian tới mình có “ấp ủ” tổ chức một số hoạt động vì môi trường cho đối tượng là sinh viên trường Nhân Văn như thu gom pin cũ hay sửa sang lại thùng rác để phân loại. Mong là chương trình sẽ nhận được sự ủng hộ của các bạn và chúng ta sẽ cùng chung tay vì một Nhân Văn bền vững!