Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe đang tổ chức các buổi thảo luận tập trung vào vấn đề giới trong các nghiên cứu và trong Trung tâm nghiên cứu (Hub). Dưới đây là một số chia sẻ về những thách thức của các nhà khoa học nữ, một trong các nhóm nghiên cứu của chúng tôi.
Khi xã hội phát triển, phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tham gia và đóng góp cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Họ ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm cả nghiên cứu khoa học và phát triển.
Ở Việt Nam, phụ nữ nghiên cứu khoa học chiếm gần một nửa (46%) trong tổng số cán bộ nghiên cứu khoa học của cả nước. Khoảng 20% chủ nhiệm đề tài, dự án là nữ. Các lĩnh vực nghiên cứu có nhiều phụ nữ tham gia bao gồm xã hội học, sinh học, nông nghiệp, hóa học, sức khỏe cộng đồng, và y học – tất cả các lĩnh vực này đều đang được nghiên cứu trong Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (Hub).
Khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học
Ở Việt Nam, bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực chủ chốt được quy định trong luật bình đẳng giới ban hành năm 2006. Trong đó, nam giới và phụ nữ bình đẳng trong tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học công nghệ, trong công bố các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, và trong phát minh sáng chế. Phụ nữ được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học và hiện đang có các đề xuất về chính sách ưu tiên phụ nữ trong giáo dục và đào tạo nghiên cứu khoa học để tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại và dân chủ.
Hàng năm, có các giải thưởng như Kovalevskaia và L’ Oreal- UNESCO dành cho cá nhân và tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Các giải thưởng này nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của phụ nữ cho xã hội. Các quỹ giải thưởng cũng cấp học bổng hoặc tài trợ nghiên cứu cho các sinh viên nữ xuất sắc ở các trường đại học. Điều này giúp truyền cảm hứng, tình yêu và nhiệt huyết nghiên cứu cho thế hệ nữ nghiên cứu trẻ.
Những đóng góp cho sự phát triển
Phụ nữ Việt Nam có những đóng góp lớn lao trong nghiên cứu và phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), một trong những đối tác của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (Hub), đã nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 giành cho những nghiên cứu xuất sắc trong nông nghiệp bao gồm bộ Kit chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh (PRRS) ở lợn, một số chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng cho chăn nuôi để cải thiện năng suất và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực y tế, cán bộ nghiên cứu của Hub Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng bộ môn vi rút viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) và đồng nghiệp đã có những thành công trong nghiên cứu và giám sát vi rút Cúm gia cầm, Cúm mùa, và hiện đang nghiên cứu và giám sát SARS-CoV-2. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 đã được trao cho các nhà nghiên cứu nữ trong phòng thí nghiệm vi rút của NIHE với những thành công trong nghiên cứu về vi rút Cúm nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới.
Và còn rất nhiều các nhà khoa học nữ đã có những thành công trong các lĩnh vực nghiên cứu khác. Những thành quả nghiên cứu của họ đã được giải thưởng và vinh danh ở trong và ngoài nước.
Những quan niệm lạc hậu
Thách thức lớn nhất của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học hiện nay đến từ những quan niệm sai lầm lỗi thời trong gia đình, cộng đồng, và xã hội. Ở Việt Nam, quan niệm từ xa xưa “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, nhiều người vẫn cho rằng công việc chính của người phụ nữ là nội trợ, bao gồm nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc con cái và người cao tuổi. Trong khi đó người chồng chỉ quan tâm đến sự nghiệp của họ và kiếm tiền.
Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng công việc của họ thường vất vả hơn so với nam giới bởi vì họ vừa phải làm công tác khoa học vừa phải làm tốt công việc gia đình.
Hơn nữa, tư tưởng phân biệt giới tính “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn hiện hữu ở đâu đó trong xã hội. Nhiều người không đánh giá đúng năng lực của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và trong vai trò lãnh đạo. Điều này không chỉ hạn chế phụ nữ tiếp cận giáo dục ở bậc cao mà còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn, đánh giá, và đề cử cán bộ nghiên cứu nữ, kìm hãm sự thăng tiến và phát triển của phụ nữ.
Phụ nữ và những mục tiêu phát triển bền vững
Trong thập niên tới, một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam là bồi dưỡng một đội ngũ trí thức nữ có khả năng tiếp cận nhanh những kiến thức và công nghệ tiên tiến trên thế giới để hội nhập với xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu.
Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia các dự án quốc tế và tham dự các diễn đàn khoa học trên thế giới. Các đối tác của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (Hub) tại Việt Nam – NIHE, VNUA, Viện Thú y Quốc gia (NIVR), Viện Chăn nuôi Quốc gia (NIAS), và Tổ chức hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Pháp tại Việt Nam (CIRAD) – đều có các cán bộ nữ tham gia nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu của Hub ở Việt Nam với 70% cán bộ nghiên cứu nữ đang hợp tác với các nghiên cứu viên quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong môi trường Một sức khỏe. Thành quả nghiên cứu của Hub, bao gồm cả những đóng góp của các cán bộ nghiên cứu nữ ở Việt Nam, sẽ góp phần làm giảm các mối nguy hại sức khỏe có liên quan đến thâm canh chăn nuôi gia cầm cho người và gia cầm ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo Hoa Pham
Leave A Comment