Để phát triển bền vững, các quốc gia đều quan tâm đầu tư phát triển khoa học – công nghệ cũng như xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ nữ trí thức, cả về số lượng và chất lượng, có thể tiếp cận nhanh chóng với tri thức, công nghệ mới nhất của thời đại, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày một tăng lên, phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận. Bên cạnh những vinh quang ấy, phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Vai trò của phụ nữ trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ
Tại Việt Nam, KH&CN là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, rất nhiều những tiến bộ của KH&CN được khai thác, chuyển giao tới các cơ sở sản xuất, cộng đồng và toàn xã hội. Những đóng góp đó trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội khác nhau, từ sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội… Kết quả của các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước. Ví dụ như: Là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng. Trong lĩnh vực hóa học, dược học, nhiều phát hiện mới về hoạt tính sinh học trong các loài thực vật sẵn có trong tự nhiên đã góp phần đưa đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có giá trị trong thời gian qua. Điển hình như sản phẩm Bioglucumin và Bioglucumin G của GS. TS Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc. Năm 2020, Việt Nam có ba nhà khoa học nữ được bầu chọn vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu Châu Á do tạp chí Asian Scientist, Singapore bầu chọn. Và còn rất nhiều các nhà khoa học nữ được vinh danh, ghi tên tuổi bằng những giải thưởng, được tổ chức quốc tế ghi nhận…
Trong các đơn vị công tác, các nữ giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học, với vai trò là người truyền tri thức cho sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, họ còn đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, tham gia bồi dưỡng hướng dẫn sinh viên, học viên, thực hiện nghiên cứu khoa học. Đây chính là những người đã góp phần truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu và niềm tin về sự nghiệp nghiên cứu khoa học rất vinh quang mà cũng nhiều thách thức.
Nữ trí thức Việt Nam với khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế
Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có trình độ, vị trí khoa học và những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Hiện nay, trong khu vực ASEAN, đến nay mới có Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006), tuy nhiên, Việt Nam lại là nước duy nhất trong ASEAN có độ tuổi về hưu của nữ giới thấp hơn nam giới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ở nhiều bộ, ngành, địa phương,… việc quy định tuổi được quy hoạch ở nữ giống nam, thậm chí số năm yêu cầu cống hiến sau khi được bổ nhiệm bằng nam, trong khi đó tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam, là một bất cập.
Quan niệm và phân biệt giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội, việc “trọng nam, khinh nữ” không chỉ có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, ở cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao trong xã hội. Chính tư tưởng “khinh nữ” trong xã hội đã khiến nhiều người chưa coi trọng năng lực của người phụ nữ, nhất là trong nghiên cứu khoa học – công nghệ. Điều này không chỉ hạn chế nữ giới tiếp cận giáo dục bậc cao, mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nữ trí thức, kìm hãm sự thăng tiến, phát triển của không ít chị em. Luật Bảo vệ và phát triển của phụ nữ Lào (năm 2004), Luật Bảo vệ phụ nữ Myanmar (năm 2013) đã góp phần giải quyết vấn đề định kiến giới ở các nước này. Ở Myanmar, thậm chí nhiều phụ nữ lựa chọn cuộc sống độc thân để học lên cao, thăng tiến, làm giàu, nghiên cứu khoa học…, nhận được sự động viên, khuyến khích trong gia đình mà không bị xã hội lên án.
Dù có học vấn cao, được đào tạo bài bản, nhưng nữ trí thức thất nghiệp nhiều hơn nam giới, nữ trí thức ở nông thôn thất nghiệp nhiều hơn nữ trí thức ở thành thị. Nhiều phụ nữ học giỏi hơn nam giới, thi tuyển điểm cao hơn nam giới, nhưng vẫn bị hạn chế trong tuyển dụng vào một số ngành khoa học – công nghệ.
Nữ trí thức Việt Nam chưa thực sự được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học – kỹ thuật; có sự “phân biệt ngành nghề trong tiềm thức” đối với phụ nữ.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hội nhập gắn với phát triển bền vững, thì đội ngũ trí thức chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh đất nước. Đầu tư cho đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước cần có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng bốn đối tượng: trí thức trẻ, những trí thức đã có cống hiến và dày dặn kinh nghiệm thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.
Để tạo điều kiện cho đội ngũ nữ trí thức phát triển, cống hiến và hội nhập quốc tế, cần thực hiện một số nội dung sau:
Ngày nay, khoa học – công nghệ nói chung và khoa học – xã hội nói riêng mang tính quyết định đối với sự phát triển đất nước. Nữ trí thức Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy, làm việc ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do vậy, lực lượng này cần được quan tâm, chăm sóc và thúc đẩy phát triển. Cần có chính sách cụ thể, với sự nhạy cảm giới, có quan điểm giới rõ ràng, với sự định hướng “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Thúc đẩy sự phát triển là lắng nghe và sử dụng những ý kiến khoa học của nữ trí thức một cách nghiêm túc.
Trong kế hoạch đào tạo đội ngũ nữ trí thức nói chung, nhất là đội ngũ nữ trí thức trẻ, cần tạo điều kiện cho những người có năng lực chuyên môn giỏi đạt được học vị sau đại học trước khi có gia đình hoặc chưa có con nhỏ. Đồng thời, cần quan niệm việc thực hiện chức năng sinh con và nuôi dạy con không phải là việc riêng của gia đình, mà đó phải là một công việc xã hội.
Có các chế độ, chính sách quy hoạch, nâng lương, nâng bậc, bổ nhiệm hợp lý đối với nữ trí thức để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo của đông đảo nữ trí thức trên toàn quốc.
Quan tâm và ưu đãi nữ trí thức thuộc dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, cần có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ. Như vậy, không chỉ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vùng khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, dân tộc trong cả nước.
Thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để xã hội nhận thức được ngày càng sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của quốc gia. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.
Tiếp tục chỉnh sửa những quy định về tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý hiện nay đối với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế… Quy định này phần nào làm hạn chế khả năng phát triển đối với phụ nữ, đồng thời có thể là nguyên nhân của tâm lý “trung bình chủ nghĩa”, ngại phấn đấu của không ít phụ nữ sau khi có gia đình. Từ góc độ nguồn lực lao động, quy định này cũng gây lãng phí cho xã hội và gây khó khăn cho những cơ quan, đơn vị mà tỷ lệ nữ chiếm đại đa số.
Coi trọng và huy động các nguồn lực xã hội để hình thành quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nữ, đào tạo nữ trí thức trẻ có tri thức, năng lực, kiến thức về hội nhập quốc tế.
HT (tổng hợp)
Nguồn: vusta.vn