Khi nhắc đến Quảng Ninh, du khách thường nghĩ ngay tới Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bởi Vịnh Di sản đã trở thành thương hiệu riêng có, đặc sắc của Quảng Ninh với cảnh quan kỳ vĩ, độc đáo, non nước hữu tình mà hiếm nơi nào có được. Với diện tích 1.553km2, Vịnh Hạ Long là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, ảo diệu, tuyệt đẹp, hòa quyện giữa đá và nước làm mê hoặc, đắm say lòng người. Trong đó phải kể đến Hòn Trống Mái (Gà Chọi), Đỉnh Hương, Con Cóc…, cùng hàng trăm hang động với cảnh sắc vô cùng huyền ảo như: Sửng Sốt, Thiên Cung, Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Mê Cung, Luồn… Với sự kỳ vĩ, riêng có, độc đáo về nước non, hang động, sự đặc sắc về cảnh quan, địa chất, địa mạo có một không hai, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ và giá trị địa chất – địa mạo. Không chỉ vậy, “báu vật” của Quảng Ninh còn được Tổ chức New Open World trao tặng danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Mâu thuẫn giữa phát triển với bảo vệ môi trường
Thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, bên cạnh những đóng góp to lớn của ngành Du lịch trong tăng trưởng kinh tế, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một địa điểm cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường. Đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những thách thức này lại càng trở nên nghiêm trọng, khi cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và tổ chức còn bất cập, các nút thắt cản trở sự phát triển bền vững du lịch chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các cảnh quan thiên nhiên đóng vai trò quan trọng vào bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, Vịnh Hạ Long đang chịu khá nhiều áp lực lớn về môi trường. Bên cạnh các áp lực tại chỗ (giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước), các hoạt động ven vịnh rộng lớn và trên các lưu vực đổ vào vịnh (nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch – dịch vụ và sinh hoạt) đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Từ các nghiên cứu cho thấy, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng khách tham quan tập trung vào các tuyến 1, 2 và 5 với khoảng 25.000 lượt khách. Tính trung bình sức tải của Vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch, như: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi… với 2.000 khách trong một giờ. Cá biệt có thời điểm lên tới gần 3.000 lượt khách và lượng khách đến Vịnh Hạ Long mùa hè luôn cao hơn rất nhiều so với các mùa còn lại. Điều này không chỉ gây áp lực lên điểm đến, gia tăng rác thải mà còn mang lại những trải nghiệm không trọn vẹn cho du khách, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Ngay khi tìm ra những điểm nghẽn, các chuyên gia đã đề xuất 5 nhóm giải pháp: Về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cho phát triển du lịch bền vững; quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch.
Trong đó điểm nhấn là các giải pháp phát triển một hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền, tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại xác định giá trị của các yếu tố di sản với tư cách là tài nguyên du lịch; rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch đầu tư, bảo tồn liên quan; tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản… Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
TS. Celal Kaplan, Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) mong muốn: “Để phát triển du lịch bền vững, điều quan trọng nhất là cần phải có những thay đổi về mặt chính sách. Công tác quản lý cần phải mang tính tập trung hơn để có thể đưa ra những giải pháp thực thi tối ưu. Ngoài ra cũng phải có những giải pháp về mặt công nghệ, cần phải có các nền tảng tích hợp trực tuyến để quản lý tốt hơn lưu lượng khách tới Vịnh Hạ Long…
Vấn đề rác thải
Vấn đề rác thải trôi nổi trên vịnh có thể xem là nỗi lo thường trực. Bên cạnh lượng rác thải thường xuyên từ các thảm thực vật trên núi đá vôi của di sản thì rác phát sinh từ các hoạt động của con người là chủ yếu.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, với địa hình nhiều đảo đá, ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thủy triều, gió, dòng chảy vịnh phức tạp nên chất thải được đưa từ các khu vực tiếp giáp Vịnh Hạ Long là ven bờ và vùng phụ cận, nơi có nhiều khu đô thị, dân cư lớn của TP Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, TX Quảng Yên, huyện Cát Hải (Hải Phòng) vào vùng di sản gây khó khăn cho công tác kiểm soát, thu gom, xử lý. Rồi các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản (NTTS), các phương tiện giao thông thủy cũng là những nguy cơ gây ô nhiễm rác thải. Hiện nay, trên vịnh vẫn tồn tại tình trạng rác thải trôi nổi, tập trung chủ yếu tại khu vực ven bờ thuộc vùng đệm và vùng phụ cận của khu di sản.
Từ đầu năm 2023, để đảm bảo cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương xử lý triệt để tình trạng NTTS không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận; thực hiện việc chuyển đổi vật liệu NTTS từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác. Tỉnh chỉ đạo tháo dỡ, di dời các lồng bè NTTS không đúng vị trí được quy hoạch, đối với các lồng bè khác phải thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững, thân thiện môi trường.
Quá trình tháo dỡ, di dời lồng bè, thay thế phao xốp với số lượng lớn, có sự phát sinh đột biến các vật liệu phao xốp, rác thải phát tán làm gia tăng lượng rác thải trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc thu gom lượng rác thải, phao xốp phát sinh này, góp phần giải quyết dứt điểm một trong các nguy cơ lớn gây ô nhiễm trên vịnh. 94% lượng phao xốp tại các công trình nổi trong khu vực di sản cũng đã được thay thế.
Bên cạnh đó thì chất lượng môi trường nước cũng rất được lưu tâm. Qua tìm hiểu được biết, để giám sát chất lượng nước khu vực Vịnh Hạ Long, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạng điểm quan trắc chất lượng nước biển hàng quý tại 19 điểm trong khu vực di sản và 15 điểm vùng đệm, 33 điểm vùng phụ cận. Kết quả cho thấy, chỉ số chất lượng nước tại khu vực di sản nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương tỉnh Quảng Ninh. Chất lượng nước khu vực ven bờ cũng tương tự, tuy nhiên một số khu vực xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, như xuất hiện váng dầu tại một số khu vực có các phương tiện thủy neo đậu tập trung…
Giải quyết những vấn đề trên, thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, nghị quyết về bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng chú trọng thu gom, giảm thiểu chất thải phát sinh, kiểm soát chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long.
Nhằm ngăn chặn từ nguồn các nguồn thải, tỉnh đã di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm và tiến hành các giải pháp cải thiện môi trường; chấm dứt không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long, chấm dứt hoạt động nhà máy và cảng than Nam Cầu Trắng tại vùng đệm di sản.
Thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ than khai thác lộ thiên, đến nay đã đóng cửa mỏ Núi Béo là mỏ khai thác lộ thiên lớn nhất TP Hạ Long, dự kiến năm 2028 sẽ chấm dứt khai thác than lộ thiên tại khu vực Hạ Long; trồng cây hoàn nguyên môi trường, phủ xanh bãi thải sau khai thác. Đến năm 2030, dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động các nhà máy xi măng tại khu vực phụ cận Vịnh Hạ Long.
Thực hiện việc kiểm soát nước thải của các khu công nghiệp ven bờ vịnh, cho tới nay, 100% các khu công nghiệp này có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn và hệ thống giám sát tự động. Ngành than đã hoàn thành và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ, đảm bảo đủ năng lực xử lý nước thải mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến than; nước thải mỏ được xây dựng phương án tái sử dụng. Rác thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung ven bờ được thu gom, trong đó chú trọng thu gom tại các khu vực bờ biển và cống thoát nước. Đã có 629 thùng rác được lắp đặt tại các tuyến phố chính trên khu đô thị ven bờ, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị ven bờ đạt 99%.
Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại các địa phương ven bờ. Hiện nay, TP Hạ Long đang triển khai dự án “Thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long” nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của thành phố. Trong đó, sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 37.800m3/ngày đêm, nhằm xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt TP Hạ Long tại khu vực ven bờ vịnh đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Toàn bộ các đô thị, khu dân cư xây dựng mới đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi đi vào hoạt động.
Việc thu gom rác, chất thải trên vịnh được thực hiện ở toàn bộ các điểm du lịch, dịch vụ, luồng tuyến tham quan, các điểm NTTS, khu vực bãi triều, chân đảo, bãi cát, trong đó bố trí 9 tàu thu gom rác trôi nổi, 2 tàu thu gom rác chân đảo, 2 tàu vận chuyển rác về bờ với tổng số 38 nhân lực. Lắp đặt 117 thùng rác tại các điểm tham quan, 19 thùng rác nổi trên Vịnh Hạ Long để thu gom, phân loại rác. Tại các điểm tham quan trên vịnh, bố trí mỗi điểm từ 1-2 người làm công tác vệ sinh môi trường. Tổng lượng rác thu gom được trên vịnh trong năm 2022 là 188,7 tấn, toàn bộ rác thải trên vịnh được vận chuyển ngay trong ngày về bờ xử lý. Triển khai dự án đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh, nhằm xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn môi trường trước khi thải ra Vịnh Hạ Long, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công nghệ này.
Để hạn chế tác động từ các phương tiện thuỷ tới môi trường nước Vịnh Hạ Long, tỉnh đã thực hiện di dời cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền từ vùng đệm di sản vào khu vực Vịnh Cửa Lục nằm ngoài vùng đệm. Không cho đánh bắt thủy sản tại khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối di sản, nhằm hạn chế việc xả thải và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long có hệ thống xử lý nước thải lẫn dầu. Các tàu du lịch đóng mới hoạt động trên Vịnh Hạ Long phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo 4 quy chuẩn Quốc gia Việt Nam. Rác thải trên tàu du lịch cũng được thu gom, vận chuyển về cảng, bến và đưa đi xử lý theo quy định. Gắn nhãn sinh thái Cánh Buồm Xanh cho tàu du lịch để khuyến khích các tàu du lịch thực hiện theo các tiêu chí phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm… Với nhiều nỗ lực, dành nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, có thể thấy cho đến nay, các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh được quản lý, bảo tồn nguyên vẹn, chất lượng môi trường khu di sản được đánh giá vẫn nằm trong giới hạn cho phép…
Leave A Comment