Ngành Thuỷ sản Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Quy mô của Ngành Thuỷ sản ngày càng mở rộng và vai trò của Ngành Thuỷ sản cũng tăng lên không ngừng trong nền kinh tế quốc dân. Trong đó EU là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU THỦY HẢI SẢN CỦA VIỆT NAM
Từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 10/2017, hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam và EU vẫn diễn ra bình thường, nhưng các lô hàng đã bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu lên đến 100% các lô hàng. Đến ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ. Sau nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ và các Bộ, ban ngành, đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị, yêu cầu chúng ta cần thực hiện để có thể gỡ thẻ vàng bao gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật.
Gần 6 năm trôi qua, từ ngày Ủy ban ban Châu Âu (EC) áp thẻ vàng cảnh cáo các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp IUU, đến nay Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ vàng. Việc này đã làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU. Thị trường EU từ vị trí số 2 trong xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN. Hoạt động xuất khẩu hải sản là lĩnh vực bị tác động trực tiếp, gần như lập tức từ thẻ vàng của IUU. Dù hoạt động này chưa bị dừng hẳn, nhưng đang có dấu hiệu giảm khá rõ. Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU giảm tới 24% trong giai đoạn từ 2017 đến 2020. Hiện mỗi năm giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU không quá 400 triệu USD. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thủy sản là ngành được ưu đãi nhất về thuế, nhưng nếu ngành thủy sản trong nước không “gỡ” được thẻ vàng IUU, coi như đã đánh mất cơ hội trên. Còn nếu trong tình huống xấu nhất EC áp dụng thẻ đỏ, mọi hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU sẽ bị cấm và thị trường EU sẽ đóng cửa với hàng hải sản Việt Nam.
Các năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc thực thi các khuyến nghị, yêu cầu của EC đối với việc chống khai thác IUU. Đến nay, các quy định pháp luật đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Tại các tỉnh, thành phố ven biển đã có những mô hình địa phương, ngư dân làm tốt và cần nhân rộng điển hình, để các địa phương làm theo.
Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, kết quả rà soát đến tháng 12-2022 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).
Đối với công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin khai thác, sử dụng Hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển. Đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA (Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO). Đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU.
Đặc biệt, đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Chỉ tính từ năm 2022, Việt Nam xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền là 44,477 tỷ đồng.
Nhờ đó, số tàu cá khai thác vi phạm ở vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh qua từng năm. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016. Đã chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Mặc dù vậy, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, đơn cử như vùng biển Hà Tĩnh, “hung thần” tàu giã cào không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nhanh chóng, mà còn gây thiệt hại, hư hỏng ngư cụ, tài sản của ngư dân địa phương làm nghề biển lộng. Tàu giã cào (đơn hoặc đôi) là loại tàu có công suất máy lớn (từ 90 – 1.000 CV), sử dụng lưới có chiều dài từ 500 – 1.500 m, mắt lưới kích thước từ 10 – 15 cm để đánh bắt các loại cá to ngoài khơi. Tuy nhiên, các tàu giã cào khai thác gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh lại sử dụng loại lưới mắt dày dưới 5cm, nhiều lớp, nhiều chì để giăng bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Từ cá lớn đến cá bé đều khó có cơ hội chạy thoát, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản. Vì thế, đời sống của ngư dân vốn đã khó nay càng khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, đầu tư xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn dàn trải, không đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch. Hệ thống nhà phân loại còn thô sơ, diện tích nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại cá, làm thất thoát sau thu hoạch tăng lên, gây khó truy xuất nguồn gốc thủy sản. Thêm nữa, hệ thống nhà phân loại còn thô sơ, diện tích nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại cá, làm thất thoát sau thu hoạch tăng lên, gây khó truy suất nguồn gốc thủy sản. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém. Tàu nhỏ, khoang cũng nhỏ mà chỉ bảo quản bằng mỗi đá, thất thoát sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo, truy xuất khó. Điều này phần nào khẳng định hạ tầng thủy sản còn chưa được đầu tư đúng mức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC. Do đó, cần không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ”
Đứng trước lần thứ tư EC đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị về chống đánh bắt IUU, nhằm đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Việt Nam thể hiện mong muốn và nỗ lực để chống khai thác IUU một cách quyết liệt, bài bản. Việc tuân thủ những quy định ngặt nghèo về khai thác thủy hải sản, mỗi vùng biển đều sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt. Đó không chỉ còn là câu chuyện kinh doanh hay thương mại nữa. Đó còn là nghĩa vụ đối với ngôi nhà chung vĩnh cửu của cả nhân loại – Hành tinh Xanh…
Leave A Comment