Biển là nguồn tài nguyên quan trọng cho con người, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, điều hòa khí hậu và tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo, là lợi thế cho con người phát triển du lịch, dịch vụ liên quan đến biển. Tuy nhiên, mặt trái của tăng trưởng kinh tế là áp lực về bảo vệ môi trường ngày càng lớn, bao gồm yêu cầu về giảm thiểu rác thải, rác thải nhựa để bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn hệ sinh thái ven biển. Câu chuyện về rác thải biển ở Việt Nam tồn tại những con số đáng buồn, như liên tục lọt top các quốc gia xả thải nhiều nhất, nhưng không có nhiều động thái và nỗ lực ở diện rộng để xử lý ngọn nguồn của vấn đề này. Các loại rác thải không được thu gom hoặc không đủ tiêu chuẩn thu gom buộc được xả thẳng ra môi trường biển và gây nguy hiểm cho cả hệ sinh thái. Nắm bắt tình hình đó, nhiều mô hình, cá nhân, tổ chức đã phát triển các ý tưởng biến rác thải, rác thải nhựa thành những sản phẩm mới hữu ích, giúp giảm thiểu rác thải đưa ra môi trường biển.
PLASTICPeople – Ý tưởng biến rác thải nhựa thành đồ nội thất
PLASTICPeople là một startup khá thú vị trong giới khởi nghiệp Việt. Doanh nghiệp này ra đời vào năm 2018, được sáng lập bởi Nestor Catalan (Tây Ban Nha) và Nano Morante (Argentina) với ý tưởng ban đầu là: “Tái chế rác thải nhựa từ các đầu mối thu gom vốn vẫn hoạt động theo quy trình truyền thống từ nhiều năm qua mà không làm đứt gãy tập quán ứng xử với rác thải một cách thụ động vốn đã quen thuộc ở nhiều hộ gia đình”. Các sản phẩm của PLASTICPeople hoàn toàn 100% từ nhựa tái chế, không thêm hoá chất hoặc keo phụ gia.
Hiện PLASTICPeople có 03 nguồn thu gom rác thải chính: từ cá nhân; từ các nguồn không chính thức như người thu gom rác thải – từ các khu tập kết rác thải; và nguồn thứ 3 là từ các doanh nghiệp. Nguồn nguyên liệu mà PLASTICPeople sử dụng đến hoàn toàn từ các nguồn rác thải sinh hoạt và sản xuất thường ngày, được nhặt nhạnh về nhà máy bởi hệ thống thu gom ve chai đắc lực, hoặc được gửi bởi các tổ chức, trường học, công ty và bất kỳ ai muốn đóng góp nhựa. PLASTICPeople sẽ hướng dẫn mọi người cách phân loại rác trước, sau đó chuyển đến và xử lý. Thay vì chỉ xử lý những chất liệu thông dụng như PET và HDPE, đội ngũ tiếp nhận tất cả những loại nhựa như vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ống hút, đến bao bì dư thừa từ các nhà máy. Bên cạnh đó, điểm khác biệt lớn nhất của PLASTICPeople so với những dự án khác là khả năng tạo ra những thành phẩm hoàn thiện, có tính thẩm mỹ, kinh tế và ứng dụng cao cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Các sản phẩm thường bước ra từ công xưởng của PLASTICPeople có thể là bất cứ gì, từ nội thất tối giản mang cảm hứng đương đại hay vật liệu xây dựng như mái tôn và trụ, cột; sản phẩm gia dụng như chiếc lót cốc;…
Qua bàn tay sáng tạo và tử tế, rác thải nhựa được PLASTICPeople sắp xếp, làm sạch và phân loại gọn gàng, sẵn sàng cho hành trình tái sinh thành những sản phẩm thẩm mỹ, đa công năng và mang theo những thông điệp giàu cảm hứng về môi trường.
VN Green – Giải cứu rác thải thuỷ tinh
Trăn trở với rác thủy tinh không được tái chế gây nguy hiểm cho con người và môi trường biển, chàng trai 9x Hứa Duy Thanh (Hạ Long) đã tự sáng chế ra công cụ để mài thủy tinh vỡ thành sỏi – nguyên liệu an toàn để làm tranh, trang sức và rất nhiều vật dụng khác ứng dụng được trong cuộc sống. Bằng cách sử dụng mảnh thuỷ tinh vụn, nhỏ trộn với cát, nước và cho vào máy quay liên lục trong 3 đến 5 ngày. Khi cát, thuỷ tinh, nước trộn đều sẽ tạo ra sự va đập, cọ xát khiến các mảnh thuỷ tinh dần trở nên nhẵn nhụi và tạo thành những viên thuỷ tinh nhẵn, bóng, sáng lấp lánh, là chất liệu để tái chế thành nhiều vật dụng tinh tế, mới lạ.
Việc biến những chai lọ cũ, mảnh thuỷ tinh vỡ… thành vật dụng có ích nhằm góp phần nhỏ nào đó giảm bớt rác thải từ chai lọ thủy tinh khó phân hủy ra môi trường, truyền cảm hứng cho các bạn đoàn viên, sinh viên có thêm một sở thích, thêm một chút sáng tạo và cảm thấy yêu môi trường sống hơn, từ đó có thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh.
“Tuy bản thân chưa đóng góp được gì nhiều nhưng hy vọng từ ý thức của một cá nhân sẽ lan toả đến cả gia đình và từ một gia đình sẽ nhân rộng đến nhiều gia đình khác để có một cộng đồng cùng chung tay giữ gìn, mang lại môi trường sống an toàn”…
Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long)
Ý tưởng thành lập xưởng may tái chế Green Life Hạ Long được chị Trần Thị Hương (khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) phát triển từ mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hạ Long triển khai đến tất cả các chi hội phụ nữ thành phố từ năm 2018. Xưởng may đã tái chế thành công rác thải nhựa qua sử dụng thành các sản phẩm túi xách, ba lô thời trang, góp phần giảm đáng kể nguồn rác thải nhựa độc hại ra môi trường.
Xưởng may Green Life Hạ Long sử dụng những tấm quảng cáo pano, áp phích đã qua sử dụng, vải thừa từ các cửa hàng rèm mành để may thành các túi xách, ba lô. Với bàn tay khéo léo, các sản phẩm túi tái chế trở nên phong phú, đa dạng hơn, như túi xách đi chợ, túi vải đeo đi chơi, ba lô đi học, túi đựng tài liệu… với giá thành từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm.
Với sự kết nối, giới thiệu của Hội LHPN TP Hạ Long, Green Life Hạ Long đã thu gom được rất nhiều tấm quảng cáo pano, áp phích đã qua sử dụng, vải thừa. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Green Life Hạ Long đã sử dụng trên 9 tấn pano và 4 tấn vải thừa làm nguyên liệu để sản xuất gần 20.000 sản phẩm các loại. Sản phẩm của Green Life Hạ Long ngày càng được người tiêu dùng biết đến, được Hội LHPN Hạ Long giới thiệu tại gian hàng Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020 và ở chợ Hạ Long I.
Sản phẩm của Green Life Hạ Long không chỉ hạn chế nguồn rác nhựa thải ra môi trường, mà còn góp phần tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ. Thời cao điểm, Green Life Hạ Long có 7 lao động làm tại xưởng, thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những tấm pano, áp phích đã được hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa. Những sản phẩm tái chế của Green Life Hạ Long không chỉ hữu ích cho cuộc sống mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm của chị Trần Thị Hương với cộng đồng và môi trường sống.
Những sản phẩm tái chế đang trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh, được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn. Khi rác cũng là một nguồn tài nguyên, khi cái đẹp được sinh ra từ rác, lại mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh của chúng ta thì nó đã trở nên hoàn hảo. Hãy chung tay mang những sản phẩm tái chế đến tay người sử dụng ngày càng nhiều hơn để sẽ ngày càng nhiều thêm những người bạn đồng hành thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường, từ đó đưa thông điệp “sống xanh”, sống thân thiện lan tỏa rộng khắp Việt Nam.
Tái chế rơm rạ bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị rơm khi làm tranh
Việc đốt cháy rơm gây lãng phí rất lớn các nguồn tài nguyên. Mỗi năm, đất mất thêm nhiều carbon, nitơ và các chất dinh dưỡng khác. Mỗi 0,4 ha lúa tạo ra khoảng 2,5 tấn rơm.
Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO – là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực. Ngoài ra, theo các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng trong tro rơm rạ rất ít nên không có tác dụng cải tạo đất.
Nhận thấy rằng, giá trị của rơm hầu như chưa được khai thác hết và để nâng tầm giá trị cho rơm, anh L. (Đồng Tháp) quyết tâm dùng rơm làm tranh. Ban đầu, rơm được anh đi xin tại ruộng sau khi nông dân thu hoạch lúa. Song, do rơm bị máy cắt làm gãy ngang, dập nát nên rất khó dùng. Vì vậy, anh phải lặn lội ra ruộng chọn nhặt từng cọng rơm từ lúa để đem về phơi. Suốt 3 tháng mày mò, Anh L. đã tìm được công thức hoàn thiện. Bởi rơm khi đem về chỉ là những đống bùi nhùi, không biết sử dụng phần nào để làm tranh
Để làm tranh rơm phải trải qua nhiều công đoạn như sau: tuyển lựa rơm, cắt và phơi thật khô, xử lý chống mối mọt để tăng độ bền, lựa cắt lấy lõi rơm, phối màu, phác thảo, tạo hình, dán ép rơm vào giấy, phủ lớp sơn bong, đóng khung.
Mỗi bức tranh, tùy kích cỡ, phải mất từ 2 ngày đến hơn 2 tuần mới hoàn thiện. Phần lớn, những tác phẩm của anh L. thường mang chủ đề phong cảnh quê hương gần gũi với đời sống vùng quê Nam bộ như: nhà sàn, đồng nước, cánh đồng lúa, đồng sen…
Đến nay, anh L. đã làm hơn 50 bức tranh chủ đề về sen và phong cảnh quê hương. Giá bán mỗi bức tranh dao động từ 150.000 đồng đến 3 triệu đồng (tùy kích cỡ, chủ đề). Ngoài ra, anh L. còn làm những chậu hoa để bàn được nhiều người ưa thích.
Leave A Comment