MS. PHAN THÙY LINH

Description

BTC Trại hè khoa học SETY (Social – Ecological Transformation and Youth) với chủ đề “Ước mơ của bạn về môi trường biển trong bối cảnh chuyển đổi sinh thái xã hội” xin trân trọng gửi lời chào trân trọng tới bạn Phan Thùy Linh !

Để có thể truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án về tăng cường vai trò của nữ giới trong nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng vì mục tiêu phát triển bền vững, BTC rất mong nhận được những chia sẻ của bạn !

Câu hỏi: Quan điểm của bạn như thế nào về vai trò của thanh niên Việt Nam với các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề môi trường biển?
Mình nghĩ rằng vai trò của thanh niên Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề môi trường biển, rất quan trọng và cần thiết. Mình thấy có một số nhiệm vụ để thanh niên thể hiện vai trò quan trọng mình với vấn đề môi trường biển.

Đầu tiên mình thấy rằng các bạn thanh niên có thể sử dụng truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội để tạo ra ý thức về vấn đề môi trường trong cộng đồng của họ. Họ có thể tham gia vào các hoạt động như tổ chức hội thảo, buổi tập huấn, hoặc viết blog để chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển và cách giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường biển trên các diễn đàn trực tuyến, phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, mình cũng hay thấy các bạn thanh niên rất năng nổ tham gia vào các hoạt động tình nguyện liên quan đến bảo vệ môi trường biển như thu gom rác biển, trồng cây bờ biển, hoặc tham gia vào các dự án bảo tồn và nghiên cứu môi trường biển. Nhưng trước tiên, mỗi bạn trẻ cần thay đổi lối sống cá nhân của họ để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường biển. Điều này bao gồm việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng nhựa và tham gia vào các hoạt động tái chế.

Mình cảm thấy nếu tạo cơ hội cho các bạn thanh niên tham gia vào các hoạt động chính trị, họ sẽ là chủ thể tạo áp lực thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách bảo vệ môi trường biển. Việc tham gia vào quá trình ra quyết định và lập luận về những vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình định hình chính sách môi trường.

Mình muốn khẳng định rằng vai trò của thanh niên trong bảo vệ môi trường biển không kém phần quan trọng so với các lĩnh vực khác. Khi thanh niên định vị được vai trò của mình trong nhiệm vụ vĩ mô như bảo vệ môi trường biển, họ tự ý thức và nhận thức được hành động của mình, định hướng hành động cho những người xung quanh.

Câu hỏi: Hiện nay, có những chính sách nào gắn với việc thúc đẩy/khích lệ vai trò của thanh niên trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững? Và theo bạn, những chính sách này ảnh hưởng/tác động như thế nào đến hành vi, lối sống của thanh niên Việt Nam trong những năm gần đây?

Từ góc nhìn của một nhà báo, mình thấy rằng hiện nay nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách và biện pháp để thúc đẩy và khích lệ vai trò của thanh niên trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mình thấy có rất nhiều chương trình và hoạt động hỗ trợ, có thể kể đến: 

  • Cung cấp cơ hội học tập và giáo dục về môi trường và phát triển bền vững cho thanh niên thông qua chương trình giảng dạy trong trường học và các khóa học ngoại khóa. Chính phủ thiết lập các khoản học bổng hoặc hỗ trợ tài chính để khuyến khích thanh niên tham gia vào các khóa học này.
  • Hỗ trợ tài chính và cơ hội cho thanh niên để tham gia vào các dự án và khởi nghiệp liên quan đến môi trường, phát triển bền vững. Điều này có thể bao gồm vay vốn ưu đãi, khu vực hỗ trợ khởi nghiệp, hoặc chương trình hỗ trợ khởi nghiệp xã hội.
  • Khuyến khích thanh niên tham gia vào các mạng lưới và tổ chức xã hội liên quan đến môi trường, nơi họ có thể chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, cũng như tạo cơ hội giao tiếp với các chuyên gia và các đối tác quan trọng.

Nhưng với mình các chính sách và biện pháp thúc đẩy vai trò của thanh niên trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể ảnh hưởng và tác động đến hành vi và lối sống của thanh niên Việt Nam trong những năm gần đây có tính hiệu quả có thể kể đến như:

  • Chính sách giáo dục và truyền thông môi trường sẽ tạo ra ý thức mạnh mẽ hơn về vấn đề môi trường trong tâm trí của thanh niên so với các vấn đề giải trí đang “chiếm sóng” trong tâm trí họ. Họ có thể trở nên nhạy bén hơn với các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và bảo tồn tài nguyên tự nhiên.
  • Thanh niên có thể trở nên quan tâm hơn đến việc tham gia vào quá trình ra quyết định chính trị và ảnh hưởng đến chính sách môi trường. Họ có thể tìm kiếm cách để đóng góp ý kiến và thúc đẩy chính sách môi trường tốt hơn.
  • Chính bản thân họ sẽ thay đổi lối sống cá nhân để hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường. Mỗi bạn trẻ sẽ tích hợp giá trị môi trường vào quyết định và lối sống hàng ngày của họ. Điều này có thể thúc đẩy sự thay đổi trong cách họ tiêu dùng, lựa chọn nghề nghiệp, và quyết định mua sắm.

Câu hỏi: Là một người thường xuyên làm việc với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, bạn có ấn tượng với những ý tưởng hoặc giải pháp nào gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường và chuyển đổi sinh thái – xã hội hiện nay?

Trong hành trình đến với nghề cầm bút của mình, mình may mắn được gặp PGS.TS Trần Ngọc Đăng (một trong những PGS trẻ nhất ngành Y năm 2022). Mình sững sờ vì không biết bắt đầu cuộc phỏng vấn với anh như thế nào khi nhìn vào bảng dài thành tích trong hồ sơ khoa học.

Thế nhưng, khi đọc đến nghiên cứu về khẩu trang của anh và nhóm nghiên cứu. Mình đã biết, mình cần khai thác ở anh điều gì!

Sau khi đọc nghiên cứu của PGS.TS Trần Ngọc Đăng mỉnh biết rằng nghiên cứu của anh xoay quanh việc giải quyết các vấn đề về môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tiêu biểu, anh Đăng cùng nhóm nghiên cứu do PGS.TS.BS Phạm Lê An (Trưởng Trung tâm bác sĩ gia đình ĐH Y Dược TP.HCM) dẫn dắt đã thử nghiệm hiệu quả bảo vệ của ba loại khẩu trang: khẩu trang vải, khẩu trang y tế và khẩu trang N99 để từ đó thiết kế ra loại khẩu trang đạt chuẩn, có thể lọc được tối đa phần trăm bụi mịn, giảm thiểu phơi nhiễm ô nhiễm không khí do giao thông ở trẻ em. Tính thực tiễn của dự án này đã được Quỹ NHMRC (Úc) và Quỹ NAFOSTED (Việt Nam) công nhận và quyết định tài trợ, với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng.

Đa số các bài báo quốc tế của anh được đăng trên các tạp chí uy tín trong ngành, chẳng hạn American Journal of Public Health (Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ), Environmental Health Perspective (Viễn cảnh sức khỏe môi trường), Scientific Reports (Báo cáo khoa học)…Trong đó, PGS.TS Đăng ghi dấu ấn với bài báo được đăng trên tạp chí Nature climate change (Thiên nhiên biến đổi khí hậu) khi có chỉ số ảnh hưởng cao nhất (impact factor – IF) là 21.7. Và bài báo có số trích dẫn nhiều nhất hiện nay được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health (Sức khỏe hành tinh Lancet) công bố năm 2017 với 499 lần trích dẫn.

Khép lại cuộc phỏng vấn với anh từ năm ngoái, nhưng hiện tại, mình vẫn nhớ như in lời anh chia sẻ. “Y khoa được xem như một ngành khoa học và nghệ thuật, muốn thành công, phải là một “nghệ sĩ” được trang bị bởi kiến thức khoa học. Người làm nghiên cứu phải “dám nghĩ, dám làm”, nếu ý tưởng càng bị chê thì càng nên theo đuổi, bởi ý tưởng đó mới, chưa ai nghĩ đến” anh Đăng nói với mình.

Câu hỏi: Trong những năm gần đây, các hoạt động truyền thông về môi trường chú trọng những vấn đề nào gắn với thanh niên/sinh viên?

Theo như các thông tin mình theo dõi trong những năm gần đây, các hoạt động truyền thông về môi trường đã chú trọng vào một số vấn đề liên quan như:

  • Truyền thông về biến đổi khí hậu tập trung vào việc giải thích tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của thanh niên và thế hệ tương lai. Các chiến dịch này thường tập trung vào việc làm thế nào để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và cách thanh niên có thể tham gia vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.
  • Truyền thông về bảo vệ động, thực vật hoang dã và đa dạng sinh học thông qua việc tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời tạo ra nhận thức về việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên. Thanh niên thường được khuyến khích tham gia vào các dự án bảo tồn và bảo vệ động, thực vật hoang dã.
  • Các chiến dịch truyền thông về ô nhiễm môi trường nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí, nước và đất đối với sức khỏe của thanh niên và cộng đồng. Thông qua thông tin và tài liệu, thanh niên được hướng dẫn về cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của nó.
  • Các hoạt động truyền thông tập trung vào việc tái chế, giảm lãng phí và sử dụng thông minh tài nguyên. Thanh niên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động tái chế, tìm hiểu về cách sử dụng tài nguyên bền vững, và hạn chế việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
  • Truyền thông về các sản phẩm và lối sống thân thiện với môi trường nhấn mạnh việc lựa chọn sản phẩm và dịch vụ có tác động thấp đến môi trường. Các chiến dịch này khuyến khích thanh niên sử dụng sản phẩm tái chế, hỗ trợ các thương hiệu có trách nhiệm xã hội và môi trường, và thay đổi lối sống để giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

Câu hỏi: Vai trò của truyền thông, báo chí với việc thúc đẩy/khích lệ sinh viên, các bạn trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường?

Là người trong nghề, mình nhận thức rất sâu sắc rằng truyền thông và báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và khích lệ sinh viên, các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Mình luôn tâm niệm rằng “Người bình thường viết điều tử tế”. Theo cá nhân mình thấy, báo chí, truyền thông thúc đẩy các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thực hiện chương trình, chiến dịch giao dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong cộng đồng trẻ. Thông qua việc đăng tải những bài viết, video, hình ảnh về các vấn đề môi trường để cung cấp kiến thức và thông tin hữu ích cho công chúng, báo chí sẽ là cầu nối thông tin không thể thiếu giúp các nhà hoạch định chính sách tiếp thu, chỉnh sửa định hướng nghiên cứu và có thêm nhiều giải pháp thực tế hơn.

Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông cũng tạo ra các sự kiện, cuộc thi liên quan đến môi trường như: vẽ tranh, viết bài, chụp ảnh… để kêu gọi sự tham gia từ giới trẻ. Hoặc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện bởi sinh viên và các nhóm bạn trẻ về môi trường.

Báo chí, truyền thông đặc biệt chú ý và công nhận những đóng góp tích cực từ sinh viên và các bạn trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Bằng việc truyền tải những câu chuyện tích cực, những hình ảnh đẹp về tình yêu môi trường để tạo động lực và nguồn cảm hứng cho giới trẻ.

Ngoài ra, báo chí, truyền thông cũng giúp hỗ trợ kết nối giữa các nhóm, tổ chức trẻ và các đối tác, tổ chức khác trong và ngoài nước để tạo nên sự hợp tác và tối ưu hóa nguồn lực. Các cơ quan báo chí mời các chuyên gia, người nổi tiếng, các tổ chức môi trường để chia sẻ, thảo luận trong các chương trình truyền thông để thu hút sự theo dõi của công chúng.

Cuối cùng, báo chí, truyền thông cung cấp một nền tảng thông tin trong việc quảng bá và tìm kiếm vị trí cho các dự án và sự kiện của sinh viên và giới trẻ. Chia sẻ thông tin về các nguồn lực, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án và hoạt động của giới trẻ.

Với những hoạt động trên, mình nghĩ rằng mọi người sẽ hiểu được giá trị của truyền thông và báo chí vì chúng không chỉ đóng vai trò truyền tải thông tin, mà còn đồng hành, hỗ trợ giúp cho những thông điệp về bảo vệ môi trường được lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong cộng đồng.

BTC Cảm ơn Linh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn và có những chia sẻ thực sự ý nghĩa, truyền cảm hứng!

About the instructor

0 (0 ratings)

27 Courses

0 students

Free
  • Course level: Intermediate
  • Total Enrolled 0
  • Last Update Tháng Mười 4, 2023
Share: