“Bản thân mình khi tham gia vào bất kỳ một hoạt động truyền thông, sự kiện hay các dự án cộng đồng về môi trường, điều mà mình luôn tâm đắc không chỉ là việc bản thân đã có ý thức tham gia mà hơn cả là mình biết, ít nhất những hành động và những thông điệp nhỏ bé đã được lan toả đến thêm nhiều bạn trẻ hay một nhóm công chúng mới.”
-Nông Thị Hà-
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
BTC Trại hè khoa học SETY (Social – Ecological Transformation and Youth) xin trân trọng gửi lời chào trân trọng tới bạn Nông Thị Hà !
Để có thể truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án về tăng cường vai trò của nữ giới trong nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng vì mục tiêu phát triển bền vững, BTC rất mong nhận được những chia sẻ của bạn!
Sinh ra tại vùng đất được mệnh danh là viên ngọc xanh của núi rừng Đông Bắc – Cao Bằng, cô bạn Nông Thị Hà không chỉ mang nét đẹp yêu kiều của người con gái Nùng mà còn là nữ đảng viên với vô vàn thành tích đáng nể như:
– Học bổng khen thưởng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
– Thành viên Mắt Xanh – nhóm thanh niên nòng cốt của dự án “Thanh niên vì môi trường – Youth for environment” – Một dự án mang tầm quốc tế của Quỹ Vì tầm vóc Việt
– Top 13/82 sáng kiến được nhận tài trợ từ Asia Pacific Media Grant 2020 của Mạng lưới Báo chí toàn cầu,…
Ngoài ra, Hà đã đạt được rất nhiều các thành tích nổi bật khác. Hà là cô gái năng động và ấm áp, lan tỏa những năng lượng tích cực tới mọi người và truyền tải động lực sống và làm việc không ngừng nghỉ tới rất nhiều bạn trẻ trên chặng đường cống hiến cho tổ quốc.
Quan điểm của bạn như thế nào về vai trò của thanh niên Việt Nam với các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề môi trường biển?
Theo như mình nghiên cứu thì Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, lực lượng lao động là thanh niên chiếm đại đa số trong xã hội, chính vì vậy, việc tăng cường vai trò của thanh niên, thiếu niên trong bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển là hết sức quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, lâu dài đối với công tác bảo vệ môi trường.
Trước hết, thanh niên Việt Nam có thể đóng góp thông qua việc tăng cường ý thức và giáo dục cộng đồng về vấn đề môi trường biển. Các bạn ấy có sự hiểu biết đúng đắn về giá trị của hệ sinh thái biển và những thách thức đang đối diện là chìa khóa để kích thích hành động bảo vệ. Qua việc tổ chức các chiến dịch thông, buổi hội thảo, hoặc các hoạt động tình nguyện, thanh niên có thể lan tỏa thông điệp này và tạo động lực cho cộng đồng chung tay hành động và bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Thứ hai, thanh niên cũng có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường biển như làm sạch bãi biển, giữ gìn nguồn lợi thiên nhiên, và tham gia các dự án tái tạo sinh quyển. Việc này không chỉ giúp giữ gìn môi trường, mà còn giáo dục thanh niên về trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trong việc duy trì sức khỏe của môi trường.
Cuối cùng, thanh niên Việt Nam có thể sử dụng tài năng và sáng tạo của mình để đề xuất và tham gia vào các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, nhằm giải quyết những thách thức, những vấn đề đã và đang diễn ra đối với môi trường, môi trường biển. Việc này không chỉ nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực và chuyên môn của chính các bạn thanh niên mà còn đóng góp ý tưởng sáng tạo và tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận từ góc độ cá nhân thì mình nhận thấy còn nhiều hạn chế về nhận thức và kiến thức của mình thì: vai trò của thanh niên Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn là cơ hội để bạn thể hiện sự trách nhiệm, lòng đam mê và sự sáng tạo của mình để tạo ra một văn hoá giới trẻ với ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường biển bền vững cho thế hệ tương lai.
Là một người thường xuyên làm việc với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, bạn có ấn tượng với những ý tưởng hoặc giải pháp nào gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường và chuyển đổi sinh thái – xã hội hiện nay?
Một chủ đề tiêu biểu mà mình từng nghiên cứu là “Thời trang bền vững”, đây không chỉ là một khái niệm mà còn là một giải pháp bảo vệ môi trường mà cá nhân mình rất thích. Bởi xuất phát từ thực tế trong thống kê của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nước nhiều thứ 2 thế giới và chiếm từ 2 – 8% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. Các bạn có thể thấy đây là một minh chứng cụ thể phản ánh sự tác động nặng nề đến môi trường trong quá trình sản xuất nên những bộ quần áo mà chúng ta đã và đang sử dụng hằng ngày. Vì thế nên những năm gần đây “thời trang bền vững” được nhắc đến nhiều hơn, và mình nghĩ đây không chỉ là một giải pháp hiệu quả với môi trường mà còn góp phần giúp giới trẻ nói riêng và người tiêu dùng nói chung hạn chế được những sự lãng phí không cần thiết và hướng đến những giá trị, vẻ đẹp vượt thời gian hơn.
Trong những năm gần đây, các hoạt động truyền thông về môi trường chú trọng những vấn đề nào gắn với thanh niên/sinh viên?
Trong những năm gần đây, mình thấy rằng các hoạt động truyền thông về môi trường đã tập trung nhiều vào những vấn đề liên quan đến thanh niên và sinh viên, các chủ đề chính bao gồm:
Biến đổi khí hậu: Các chiến dịch truyền thông thường đặt tâm điểm vào tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của thế hệ trẻ. Thông điệp thường nhấn mạnh về sự cần thiết của hành động ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Bảo vệ động vật và đa dạng sinh học: Những chiến dịch này thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng. Sinh viên thường được kêu gọi tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như giáo dục và chăm sóc động vật.
Sử dụng bền vững và tái chế: Các chiến dịch này thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ bền vững, tái chế và tái sử dụng. Sinh viên thường được khuyến khích tham gia vào phong trào “zero waste” và ủng hộ các hành động như giảm lượng rác thải và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng: Truyền thông thường tập trung vào việc giáo dục về lợi ích của năng lượng tái tạo và thách thức thanh niên tham gia vào việc giảm tiêu thụ năng lượng và thực hành lối sống tiết kiệm.
Xã hội công bằng và công nghệ xanh: Các hoạt động truyền thông thường đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội công bằng, và cách các sinh viên có thể hỗ trợ sự công bằng xã hội thông qua việc ứng dụng công nghệ xanh và các giải pháp môi trường bền vững.
Với mình những chủ đề này vừa là nguồn cảm hứng, nguồn động lực và hơn cả là cơ hội, môi trường để các bạn trẻ tiếp xúc nhiều hơn, học hỏi và có những góc nhìn sâu sắc hơn, đa chiều hơn về chủ đề môi trường. Từ sự hiểu biết đúng đắn đó sẽ khơi gợi bên trong các bạn tình yêu, niềm tin, ý thức trách nhiệm để hành động và tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường một cách tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả hơn! Bản thân mình khi tham gia vào bất kỳ một hoạt động truyền thông, sự kiện hay các dự án cộng đồng về môi trường, điều mà mình luôn tâm đắc không chỉ là việc bản thân đã có ý thức tham gia mà hơn cả là mình biết, ít nhất những hành động và những thông điệp nhỏ bé đã được lan tỏa đến thêm nhiều bạn trẻ hay 1 nhóm công chúng mới. Mình nghĩ rằng biết đâu từ những nỗ lực, những câu chuyện và nguồn cảm hứng nhỏ bé này sẽ thắp lên trong những trái tim đó về ý thức giữ gìn và xa hơn là hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của mỗi chúng ta.
Bạn đáng giá như thế nào về vai trò của các KOLs trong việc thúc đẩy/khích lệ thế hệ bạn trẻ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường?
Từ kinh nghiệm làm việc với rất nhiều người có sức ảnh hưởng thì mình thấy rằng KOLs và người nổi tiếng nói chung có sức ảnh hưởng nhất định với công chúng đặc biệt là các bạn trẻ. Việc những KOLs hoặc người nổi tiếng chia sẻ thông tin, thông điệp, hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường với nhiều vai trò khác nhau,… có thể thấy KOLs đóng vai trò là cây cầu nối và là nhân tố góp phần thu hút sự chú ý, sự tham gia và lan tỏa rộng rãi các thông tin, thông điệp về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó từ việc dẫn dắt, định hướng nhóm công chúng của mình, các KOLs có thể trở thành những người dẫn đầu, hoặc tạo nên một trào lưu mới để các bạn trẻ bắt chước và cùng nhau tham gia, trong trường hợp này là khuyến khích các bạn trẻ tham gia thực hành những lối sống xanh, tích cực với môi trường. Các dự án về cộng đồng, và môi trường mang đến giá trị những thông điệp tích cực, nhưng sẽ tuyệt vời và thành công hơn nữa nếu như huy động được sự tham gia mạnh mẽ của người nổi tiếng, KOLs.
Là một người trẻ có rất nhiều chuyến đi về các vùng miền của tổ quốc, bạn thấy rằng yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển xanh có được đề cao trong định hướng phát triển của các địa phương không?
Từ góc nhìn thực tế thông qua sự trải nghiệm của cá nhân mình, hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường luôn được chú trọng, tuyên truyền, đặc biệt mạnh mẽ ở các thành phố lớn. Nhiều giải pháp, nhiều ý tưởng và ngày càng có nhiều trào lưu hướng đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Nhưng thực tế những hoạt động này vẫn còn hạn chế và chưa thật sự tác động được đến những nhóm đối tượng như công nhân lao động và bà con tại các tỉnh thành hạn chế về cơ sở vật chất. Một mặt hạn chế khác có thể thấy rằng dù các thông điệp đưa ra rất tích cực, các chiến dịch, các giải pháp cũng vô cũng vô cùng hữu ích, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chúng chưa thật sự được vận dụng, áp dụng rộng rãi vào cuộc sống, vào sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trong những phóng sự, những chiến dịch truyền thông về môi trường mình từng tham gia, sự nhận thức về tính nghiêm trọng và các vấn đề liên quan đến giảm thiểu các khí thải, rác thải,…trong sinh hoạt của người dân chưa cao. Điều này đến từ hạn chế về kinh tế khi các giải pháp hoặc các sản phẩm thân thiện về môi trường có giá đắt hơn hoặc chưa thật sự được người dân biết đến. Bản thân họ cũng chưa có được cái nhìn thật sự chú trọng đến các vấn đề này. Tuy nhiên điều này chỉ là một phần từ thực tế bảo vệ môi trường mà mình nhận thấy. Để vấn đề bảo vệ môi trường có hiệu quả không chỉ dừng ở lý thuyết, thông điệp hay ở trên giấy, trên báo đài và trên các trang mạng xã hội, mà hơn cả là cần sự quyết tâm, tham gia mạnh mẽ, len lỏi và đi sâu vào đời sống nhân dân, quá trình sản xuất,…Từ đó thúc đẩy tăng cường nhận thức và hành động của tất cả các tầng lớp, các vùng miền. Có như vậy bảo vệ môi trường mới thật sự có hiệu quả.
28 Courses
0 students