PHỎNG VẤN CÁN BỘ ĐOÀN HỘI
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN KIM TÙNG – CÁN BỘ VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Cảm ơn Kim Tùng đã nhận lời phỏng vấn của Trại hè SETY 2023! Thật may mắn vì có dịp được nghe những chia sẻ từ một cán bộ Đoàn Hội năng nổ và có nhiều kinh nghiệm như bạn. Trại hè rất muốn bạn có thể truyền cảm hứng và gửi những lời khuyên dành cho các học viên SETY là các bạn nữ đam mê nghiên cứu khoa học!
Câu hỏi 1: Được biết bạn đã tham gia rất nhiều các hoạt động Đoàn hội từ khi còn là sinh viên, bạn có thể chia sẻ động lực nào giúp bạn tham gia và sau các hoạt động, bạn gặt hái được điều gì? Bạn có lời khuyên gì với các bạn sinh viên hiện nay khi bước vào cánh cửa đại học từ kinh nghiệm tham gia hoạt động Đoàn – hội của bản thân?
Có lẽ động lực lớn nhất mình để đạt được những thành tích như bây giờ đó là muốn thấy phiên bản hoàn hảo của bản thân mà thông qua các hoạt động Đoàn – Hội điều đó được minh chứng một cách rõ nét.
Lời khuyên của mình đối với các bạn sinh viên hiện nay là hãy cháy hết mình với công tác Đoàn – Hội bởi tuổi thanh xuân của con người thì chỉ có một, việc được sống với đúng lứa tuổi và học hỏi kinh nghiệm qua quá trình công tác sẽ giúp cho bản thân hoàn thiện và trở thành người có ích cho xã hội.
Câu hỏi 2: Hiện nay, vấn đề “Thanh niên và môi trường” là một chủ đề được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm. Đối với các tổ chức Đoàn – hội, các phong trào, hoạt động nào về thanh niên và môi trường thường được tổ chức trong những năm gần đây trong các trường đại học? Bạn có thể chia sẻ một vai hoạt động mà theo bạn là ấn tượng nhất?
Chủ đề về môi trường luôn là chủ đề nóng nhận được quan tâm rất lớn của cộng đồng đặc biệt là đối với thanh niên. Với sứ mệnh và những lợi thế của thanh niên, hoạt động bảo vệ môi trường đang được triển khai đa dạng và truyền đến những thông điệp tích cực kêu gọi mọi người chung tay vì một thế giới xanh. Điển hình như dự án Nhân văn xanh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với các chủ đề như “vỏ hay bỏ” – đổi vỏ mì tôm để tái chế làm nón hay “vỏ hay bỏ” – đổi chai nhựa tái chế, … đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên hưởng ứng tham gia.
Câu hỏi 3: Theo bạn, lối sống Xanh, lối sống Sinh thái sẽ mang lại những lợi ích gì cho giới trẻ? Bạn đã từng tham gia các chiến dịch xanh, hay tổ chức các sự kiện Xanh nào dành cho sinh viên, thanh niên? Các hoạt động này góp phần như thế nào trong việc thay đổi nhận thức của giới trẻ về môi trường?
Cá nhân mình hiểu “sống xanh” là lối sống bền vững, cố gắng thay đổi các thói quen hàng ngày của bản thân cũng như xã hội, nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc gây hại đến môi trường sống, xa hơn là làm giảm các tác động tiêu cực đến trái đất, giúp cho hành tinh xanh của chúng ta luôn “khỏe mạnh”.
Bản thân mình đã từng tham gia chiến dịch “Giờ trái đất” với mong muốn không chỉ là 1 giờ tắt đèn mà với thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” cùng nhau tuyên truyền để 365 ngày trong năm đều là Giờ Trái đất, đưa việc tiết kiệm điện trở thành một thói quen ở mọi lúc mọi nơi.
Câu hỏi 4: Được biết bạn đã tổ chức một số các cuộc thi ý tưởng về môi trường, lối sống xanh, ý tưởng xanh dành cho giới trẻ. Bạn cảm nhận như thế nào về những ý tưởng và sự tham gia của các bạn trẻ từ các cuộc thi này?
Gần đây nhất thì mình có tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp xanh “Future Blue Innovation” dành cho học sinh THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Mình thực sự rất ấn tượng với các dự án của các học sinh khi tập trung vài việc cải tạo, bảo vệ môi trường như: Giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo…
Với những giải pháp này sẽ góp phần vào sự phát triển của công nghệ, đồng thời tạo ra những giá trị tốt đẹp và lan tỏa thông điệp về việc xây dựng môi trường xanh, cuộc sống sạch thông qua những sản phẩm mà các bạn thí sinh đem đến cuộc thi.
Câu hỏi 5: Trong các hoạt động thanh niên và môi trường, tỷ lệ các bạn sinh viên, học sinh nữ tham gia thường chiếm tỷ lệ bao nhiêu %? Theo bạn thì các bạn nữ sẽ có những điểm mạnh nào trong việc tham gia các hoạt động vì môi trường?
Theo thống kê các hoạt động của thanh niên và môi trường thì nữ giới thường chiếm tỷ lệ lớn. Theo mình thì các bạn nữ thường có sự tinh tế, khéo léo và có chút mềm mại uyển chuyển nên việc tham gia vào các hoạt động vì môi trường sẽ dễ dàng chuyển tải thông điệp và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Câu hỏi 6: Được biết Tùng đã đạt nhiều giải cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên? Tùng có bí quyết nào có thể chia sẻ cùng các SETYERS đam mê nghiên cứu khoa học?
Mình có niềm đam mê với khoa học từ sớm, khi lớn lên được vun đắp tình yêu với khoa học qua những giờ học Các phương pháp nghiên cứu khoa học rồi được chiêm ngưỡng những sản phẩm khoa học đồ sộ và giá trị cao lại càng thôi thúc bản thân mình tham gia vào hành trình này.
Bản thân nhận định rằng có lẽ xuất phát từ sở thích tìm tòi, khám phá nhiều điều mới mẻ và biến nó thành động lực trên hành trình nghiên cứu khoa học để gặt gái được nhiều thành quả như ngày hôm nay.
Câu hỏi 7: Bạn có yêu biển không? Nếu để vẽ một ước mơ gắn với biển, bạn sẽ vẽ giấc mơ này có những gì, và ý nghĩa của giấc mơ này? Chủ đề năm thứ 2 của trại hè gắn với môi trường biển? Theo bạn thì hiện nay vấn đề nghiên cứu nào gắn với môi trường biển thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ? Vì sao?
Bản thân mình có là người thích thiên nhiên trong đó có biển, nếu được vẽ một ước mơ gắn với biển có lẽ mình sẽ hoạ vào đó có bờ biển xanh có tiếng trẻ nô đùa cùng cánh diều bay cao. Sở dĩ mình ước như vậy bởi biển thường gắn với khát vọng, hoài bão của con người, đó là nơi gửi gắm bao ước mơ của trẻ thơ với cánh diều bay cao mơ về tương lai đầy màu sắc.
Mình thấy rằng hiện tượng ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ hiện nay. Thay vì một bờ biển xanh, sóng vỗ hiền hoà thì hiện biển đã đục màu, lượng rác thải đang ngày càng lấn chiếm và đó những điều trực diện vào mắt của người trẻ.
Câu 8: Trại hè SETY là trại hè khoa học dành cho nữ giới gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học về chuyển đổi sinh thái – xã hội, phát triển bền vững. Cảm ơn Tùng đã tham gia trả lời phỏng vấn, và rất mong bạn sẽ gửi 1 thông điệp, 1 lời chúc cho các học viên của trại hè?
Mình đã từng đọc được một câu nói rằng “Trong mỗi bước đi cùng với thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì ta tìm kiếm”. Đây cũng là thông điệp mà mình muốn gửi đến các học viên của SETY 2023, hãy đem sứ mệnh của mỗi công dân toàn cầu để bảo vệ và phát triển xã hội bền vững.
PROFILE: NGUYỄN KIM TÙNG
Ngày tháng năm sinh: 12/11/2000
Bạn là cán bộ Đoàn Hội từ năm: 2015
Các chức vụ đã đảm nhận trong các tổ chức Đoàn – Hội, thanh niên, sinh viên:
+ Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội.
+ Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Quốc gia Hà Nội.
+ Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Trường – Uỷ viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
+ Phó Bí thư Liên Chi đoàn – Liên Chi hội trưởng Liên chi Hội Khoa Khoa học Quản lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Công việc hiện tại: Chuyên viên Văn phòng Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một số thành tích:
+ Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên giai đoạn 2018 – 2023 và các năm học 2020 – 2021; 2021-2022; 2022 – 2023.
+ Đạt 01 Giải Nhất và 02 Giải Nhì Nghiên cứu Khoa học cấp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
+ 01 Bài báo công bố trên tạp chí khoa học Chính sách và Quản lý với đề tài: “Tiếp cận quyền riêng tư trong chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng dịch vụ công trực tuyến”.
+ 03 bài viết khoa học đăng trên kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu.
Một số hoạt động gắn với chủ đề Thanh niên và Môi trường mà bạn đã tham gia:
+ Tham gia dự án Nhân văn xanh với chủ đề đổi vỏ mì tôm làm nón “Vỏ hay bỏ”, đổi chai nhựa “Trao vỏ tỏ tình”, …
+ Mentor dự án du lịch tình nguyện “Volunteer for education” với các hoạt động trải nghiệm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch vùng cao.
Sở thích: Đi du lịch, nghe nhạc, trải nghiệm vùng đất mới.
28 Courses
0 students